ASRock Chipset 400-Series: Giúp CPU vượt ngoài ngưỡng sức mạnh của Intel đề ra

ASRock là một trong số những thương hiệu mới tham gia thị trường máy tính Việt Nam được vài năm nhưng những gì mà hãng mang lại là vô cùng to lớn. ASRock không chỉ theo đuổi tiêu chí “ngon-bổ-rẻ” mà họ còn luôn sáng tạo ra cách “lách luật” với các đối tác của mình. Trong nền tảng Chipset 400-Series mới nhất của Intel, ASRock cũng khéo léo lách luật để đẩy tốc độ xung nhịp của những mẫu CPU non-K lên, đây là một điều Intel không hề thích chút nào. Cụ thể chúng được đẩy như nào, thông qua cách nào, hoạt động ra sao thì các bạn có thể đọc thêm thông qua bài chia sẻ của anh Cao Sinh Tiến trong hội ASRock – Mông Đá nhé!

I. Câu chuyện của Intel và các đối tác sản xuất bo mạch chủ

Bắt đầu từ năm 2011, khi Intel cho ra đời dòng vi xử lý Sandy Bridge và nối tiếp tới hiện nay, để có thể ép xung một cách chính thống được Intel cho phép. Người dùng phải chấp nhận mua một CPU có hậu tố “K” hoặc “X” (ví dụ: i5 2500K ) và một Mainboard dòng Z hỗ trợ ép xung các vi xử lý này. Đây là một điều không mấy thích thú với người dùng, đặc biệt là các OCer hoặc những người yêu thích công nghệ, bởi trong số đó không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính và nhu cầu mua những sản phẩm kể trên do giá thành đắt đỏ.

Ở một số thời điểm nhất định, một vài hãng (hoặc Intel lúc đó chưa cấm) vẫn phát hành những bản BIOS cho phép ép xung các CPU non-K. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Intel lập tức yêu cầu các hãng update ngay bản BIOS khóa chức năng ép xung CPU non-K (Disable BCLK overclocking ) cho các dòng Mainboard non-Z. Gần đây nhất là đối với các vi xử lý Skylake, vào đầu tháng 2/2016, Intel đã phát hành một bản cập nhập không cho phép ép xung các vi xử lý non K, buộc các hãng sản xuất phải tuân theo.

II. ASRock khéo léo “lách luật” của Intel

“Họ đã nghĩ ra một cách để ngăn chặn và lách vấn đề không cho phép ép xung đối với các Mainboard non-Z và CPU non-K. Cách thức mà ASRock làm rất sáng tạo, đó là cấy thêm vào Mainboard một con chip tạo xung (external clock generator) để vượt qua những hạn chế về ép xung mà Intel đã đặt trên nền vi xử lý Skylake của họ. Về cơ bản, chúng ta có thể hiểu chức năng của con chip tạo xung mà ASRock đặt trên các Mainboard của họ sẽ phá hỏng cơ chế không cho phép OC CPU non-K Skylake của Intel. Chưa kể, tính năng này sẽ cho phép người dùng tăng xung nhịp của bộ vi xử lý trong từng bước với mỗi lần là 0,0625 MHz vượt qua giới hạn thiết lập là 1Mhz như của Intel.”

Dòng sản phẩm đình đám mà hỗ trợ ép xung CPU non-K từ phía ASRock được gọi tên là Hyper – Series, nổi tiếng nhất là H170 Pro4/Hyper và B150M Pro4/Hyper. Tuy nhiên, Intel cuối cùng ra lệnh “Một là khóa, hai dừng sản xuất bằng cách ngừng cấp chipset?” Nên ASRock lại ngậm ngùi khóa chức năng OC non-K lại, nhưng vẫn ngấm ngầm hỗ trợ bằng việc phát hành các BIOS dạng Beta.

III. Lịch sử lặp lại với Intel Chipset 400-Series ?

Trong một thông cáo báo chí của ASRock đưa ra vào ngày 1/5 trên trang chủ của hãng, xin được dịch nguyên văn như sau:

“Nổi bật trên nhiều bo mạch chủ ASRock 400-series đó là công nghệ Base Frequency Boost (BFB) tăng xung nhịp cơ bản của CPU non-K vượt quá tiêu chuẩn mặc định, cho phép người dùng tận hưởng hiệu suất ngay lập tức ngay cả trên bo mạch chủ non-Z. ASRock đã thiết kế VRM chắc chắn với tản nhiệt cực lớn để làm mát tuyệt vời trên cả dòng bo mạch chủ Pro4 và Steel Legend và thậm chí chuyển tính năng này sang bo mạch chủ phân khúc giá trị để mở khóa hiệu năng lên một tầm cao mới và đáng tin cậy.”

“Cách thức hoạt động của công nghệ Base Frequency Boost (BFB) từ ASRock đó chính là tăng TDP của các bộ xử lý non-K lên tối đa giá trị PL1 (Power Level 1) của chúng. Đối với các bộ xử lý 65W như: Core i3-10100, điều này có nghĩa là TDP của chúng sẽ tăng lên 125W. Theo ASRock, BFB có thể ép xung một số bộ xử lý như i7-10700 tới 900 MHz.”

Câu chuyện lại trở về 4 năm trước, có nghĩa rằng Intel sẽ tìm cách ngăn chặn mọi nỗ lực từ các đối tác để ép xung các CPU non-K của họ. Và ASRock có thực sự được phép hỗ trợ BFB hay không hoặc lại tìm cách lách luật?
Và nếu như ASRock lách được luật, thì đúng là họ sẽ tạo nên một cuộc chiến thực sự giữa AMD và Intel ở phân khúc chủ đạo. Bởi người dùng sẽ phải lăn tăn: Nên mua một bo mạch chủ ASRock hỗ trợ BFB chạy với đám CPU Intel non-K và tận hưởng hiệu năng mang lại. Hay là mua một vi xử lý Ryzen 3 có thể ép xung trên một bo mạch chủ giá cả phải chăng?
Câu chuyện hiện nay vẫn chưa có hồi kết và có lẽ chúng ta tiếp tục phải đợi ASRock chia sẻ thêm các thông tin mới nhất!