“Cò Chip” bất ngờ lên ngôi khi thị trường toàn cầu đang gặp phải vấn đề thiếu hụt chip số lượng lớn. Một loạt các loại cò đã được ra đời để trung gian nhiều mặt hàng liên quan đến Chip.
Tại Việt Nam, thuật ngữ “Cò” được nghe trên rất nhiều ngành nghề, đặc biệt là bất động sản. Chúng nhằm ám chỉ những người môi giới, trung gian với nhiều hành động khác nhau để thổi giá một sản phẩm nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất. Trên thị trường buôn bán chip cũng vậy, bối cảnh khan hiếm đã chính là đòn bẩy giúp cò chip lên ngôi.
Trong bối cảnh thiếu hụt sản lượng toàn cầu, khi cần mua chip nhanh chóng và không quan tâm đến giá thì mọi người sẽ liên hệ đến Erik Drown – một người trung gian có khả năng cung cấp các linh kiện hiếm trong ngành.
Kinh nghiệm hàng chục năm của Drown hiện đang giúp ông chống đỡ lại một trong những tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn tồi tệ nhất từ trước đến nay. Gần đây, khi được một khách hàng yêu cầu giúp tìm 1.200 con chip chỉ trong vài ngày, ông đã phải lục lại hết các mối quan hệ trong ngành của mình. Nhưng ông đã không thể tìm thấy tất cả số chip cần thiết mà chỉ có thể nhận được báo giá sơ bộ cho khoảng một nửa đơn hàng.
Một sự thật đau đớn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang hiện hữu. Họ cần chip nhưng không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Và điều làm cho vấn đề tồi tệ hơn là những người chuyên giải quyết vấn đề này – các nhà môi giới chip và những người trung gian như Drown – thấy mình rơi vào một số trường hợp khá bối rối và phải ra về tay trắng. Tuy nhiên, một cách tổng thể thì họ đang bận rộn và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn bao giờ hết.
“Rất nhiều công ty sẽ không bao giờ tìm đến một người như tôi, nhưng giờ nếu không làm vậy, họ sẽ không tồn tại được”, Erik Drown, giám đốc tìm nguồn cung ứng toàn cầu của công ty Select Technology, một nhà phân phối linh kiện có trụ sở tại Rowley, bang Massachusetts, cho biết.
Các nhà sản xuất, những người bán buôn và cả người mua chip cho biết, sự cố trong việc phân phối chip thông thường sẽ tạo thêm một đống “hổ lốn phức tạp”, thứ có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt kéo dài hàng tháng và có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay.
Trước đây, các nhà sản xuất chip lớn nhất như Intel hoặc Samsung giao hàng trực tiếp chất bán dẫn cho những người mua có túi tiền lớn và những người bán buôn theo hợp đồng. Nguồn cung còn lại thường được chuyển đến những người trung gian khác để phục vụ cho những người mua nhỏ hơn.
Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi. Các công ty lớn nhất đã bị cắt hoặc hạn chế quyền truy cập trực tiếp. Do đó, họ đang tìm kiếm thêm sự trợ giúp từ những người bán buôn được ký hợp đồng bởi các nhà sản xuất chip, là những người trung gian được biết đến trong ngành với tư cách là các nhà phân phối được ủy quyền.
Avnet, nhà phân phối được ủy quyền cho Intel và Broadcom, đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng người mua lớn, những công ty mà trước đây không bao giờ cần tới những con chip định vị từ bên ngoài. Peggy Carrieres, Phó chủ tịch phụ trách hỗ trợ bán hàng toàn cầu của Avnet, cho biết đây là lãnh thổ chưa được khai thác cho những khách hàng này, và họ phải làm thế để chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc việc phải theo dõi nhiều loại vật liệu khác nhau.
Bà Carrieres nói: “Họ đang muốn chúng tôi giải quyết nó.”
Peter Hanbury, người chuyên nghiên cứu về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, ước tính rằng bất chấp sự khan hiếm, giá cả và khối lượng vận chuyển cao hơn đã mang tới nguồn lợi nhuận đáng kể cho các nhà phân phối trung gian.
Arrow Electronics, một trong những công ty lớn nhất trong ngành, cho biết doanh số bán linh kiện toàn cầu đạt mức kỷ lục 6,4 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, tăng 42% so với một năm trước đó. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh linh kiện toàn cầu của công ty đã tăng hơn 70% trong cùng thời kỳ. Và đối với quý kết thúc vào ngày 31/3, Avnet cho biết doanh số bán hàng của họ đã tăng 14% so với một năm trước đó, lên 4,9 tỷ USD.
Những người mua lớn cũng buộc phải sử dụng những người trung gian hay dựa vào các phương pháp gián tiếp để mua linh kiện, chẳng hạn như mua chip không sử dụng từ các nhà sản xuất hàng hóa đã mua nhiều hơn mức họ cần. Bởi vì các nhà môi giới độc lập không mua trực tiếp từ các nhà sản xuất chip, cho nên các giao dịch cũ này có thể tốn kém hơn và mang lại rủi ro về tính xác thực cao hơn.
Có thể nói, ngành công nghiệp chip trị giá 442 tỷ USD đang rất hỗn loạn. Nhu cầu của người tiêu dùng, từ sự thay đổi trong bối cảnh đại dịch khiến họ chuyển sang làm việc và sinh hoạt trực tuyến, cùng với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, đã khiến người mua và các nhà sản xuất chip mất cảnh giác trong nhiều năm qua. Nguồn cung không thể tăng đủ nhanh. Vì vậy, giá cả đã tăng chóng mặt.
Nhà nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho biết chất bán dẫn cung cấp năng lượng cho màn hình điện tử đã tăng giá tới 40% trong nửa đầu năm 2021 so với một năm trước đó. Trong cùng thời gian, một số cảm biến hình ảnh và bộ xử lý được sử dụng trong điện thoại và máy tính cá nhân đã chứng kiến mức giá tăng từ 15% đến 20%, trong khi giá chip nhớ tăng 5% đến 10%.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với các nhà sản xuất ô tô, vốn đang thiếu các con chip như vi điều khiển được sử dụng trong hệ thống đánh lửa hoặc phanh của xe. Ambrose Conroy, người sáng lập công ty tư vấn chuỗi cung ứng Seraph, cho biết các công ty môi giới đang báo giá cao gấp 5 lần so với trước đại dịch cho chip ô tô. Và trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn thì giá đã gấp 20 lần.
Giá cả đã tăng cao đến mức Jens Gamperl, người điều hành nền tảng bán chip trực tuyến Sourcengine, sẽ yêu cầu những người mua hay nghi ngờ phải tiến hành trả trước, khi thực hiện bất kỳ mốc giao dịch nào. Bởi có tình trạng chỉ sau một đêm, giá chip nhớ flash đã tăng từ 38 USD lên 49,5 USD.
“Khách hàng luôn nghi ngờ rằng bạn cố gắng lợi dụng tình hình,” ông Gamperl nói.
Giá thường ở mức cao vì các công ty không thể chờ đợi để mua hàng như thông thường. Dan Hetnar, chuyên gia mua hàng cấp cao cho một nhà sản xuất bảng mạch của Mỹ, đã sử dụng một nhà môi giới để mua khoảng 1.500 vi mạch với giá cao hơn gấp ba lần so với mức giá thông thường là 2,75 USD mỗi chiếc. Nếu không dùng cách này mà chờ mua thông qua một nhà phân phối được ủy quyền, các bộ phận sẽ không có sẵn trong 45 tuần.
“Đó là thứ tôi cần,” ông Hetnar nói.
Sự dao động về giá phản ánh mức độ khan hiếm của các linh kiện. Và nó cũng lý giải cho làn sóng khách hàng tới tấp đối với những người trung gian. Direct Components, một nhà môi giới chip có trụ sở tại Tampa, Florida, đã chứng kiến lượng khách hàng tăng gấp ba lần trong năm qua, bao gồm nhiều người mua lớn mà trước đây chưa từng liên hệ.
“Một năm trước, họ thực sự không cho chúng tôi chút thời gian nào để nói chuyện trong ngày”, Aaron Nursey, người sáng lập công ty cho biết. “Bây giờ họ lại đang đến với chúng tôi.”
Nguồn: NWSJ
Bình luận
Chưa có bình luận nào.