Giá card màn hình chưa có dấu hiệu ngừng tăng và chúng tiếp tục chịu thêm áp lực tăng giá của DRAM. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc giá của card đồ họa sẽ cao hơn mức hiện tại, cho dù thời kỳ của ETH và Bitcoin đã tạm đi qua.
Theo nguồn từ TrendForce, giá DRAM của card đồ họa sẽ dự kiến tăng từ 8-13% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc linh kiện sản xuất card màn hình tăng và các hãng sản xuất sẽ tăng giá card màn hình để bù đắp cho phần linh kiện. Đây không phải là một tin tốt đẹp gì đối với những game thủ, người sử dụng máy tính cá nhân hay các doanh nghiệp.
Trong nửa cuối năm 2020, đầu năm 2021, thị trường linh kiện máy tính đã chứng kiến một loạt các cuộc tăng giá đến từ nhiều nhóm sản phẩm. Thế nhưng, giá card màn hình vẫn là tiêu điểm khi chúng tăng tới 50-70% giá trị sản phẩm. Điều này đã khiến cho nhiều người rơi vào hoàn cảnh chỉ sử dụng “card onboard” thay vì card rời như trước đây. Giá thành của sản phẩm card màn hình tăng xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, nguồn cung cấp Chip thiếu hụt và bị tăng giá một cách phi mã khiến các công ty phải nâng giá sản xuất sản phẩm. Nguyên nhân còn lại chính là do tiền ảo, khi BTC và ETH cùng nhau dắt tay đi lên, hàng triệu card màn hình đã được lôi ra để đào tiền ảo.
Nguồn tin TrendForce giải thích, có bốn yếu tố chính đứng sau việc tăng giá này. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là nhu cầu cao chưa từng có đối với card đồ họa, kết hợp cùng tình trạng thiếu chip, đào tiền mã hóa cũng như những kẻ đầu cơ, khiến trình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Một yếu tố khác đến từ Nvidia. Đương nhiên, Nvidia là một trong những khách hàng lớn nhất của các công ty GDDR6 và GDDR6X. Với việc sử dụng DRAM trong nhiều GPU của mình, rõ ràng, các nhà cung cấp sẽ ưu tiên Nvidia hơn những khách hàng nhỏ trong việc phân bổ năng lực sản xuất.
Ngoài ra, các nhà sản xuất hợp đồng đảm nhiệm nhiệm vụ cung cấp những chip console mới nhất cho Sony và Microsoft, vốn được trang bị bộ nhớ 16GB, cũng đang được ưu tiên hơn. DRAM dành cho máy chủ cũng được ưu tiên sản xuất.
“Khi các sản phẩm khác nhau tranh giành năng lực sản xuất DRAM hạn chế, giá hợp đồng DRAM đồ họa dự kiến sẽ tăng trong tương lại. Đặc biệt là khi các OEM/ODM quy mô vừa và nhỏ có thể phải đối mặt với việc tăng tỉ lệ phần trăm ở mức hai con số“.
TrendForce bổ sung thêm, tỉ lệ để đủ điều kiện đối sản xuất đối với các khách hàng vừa và nhỏ là khoảng 30%. Điều đó giải thích tại sao giá giao sản phẩm DRAM đồ họa đôi khi cao hơn đến 200% so với mức trong hợp đồng. Dĩ nhiên, khi giá trị của một số loại tiền mã hóa giảm xuống, mức giá giao hàng đối với các sản phẩm GDDR6 cũng giảm theo, nhưng vẫn cao hơn gần 100% so với giá hợp đồng trung bình.
Thú vị là GDDR5 lại không bị ảnh hưởng nhiều. Hầu như không có sự khác biệt giữa mức giá giao ngay với giá hợp đồng do nó chủ yếu được sử dụng trong các mẫu card đồ họa cũ như GTX 1650/1660.
AMD kỳ vọng sẽ có thể tăng nguồn cung GPU của mình trong quý 3 và Nvidia cũng sẽ cố gắng làm điều tương tự. Với việc giá trị của nhiều đồng tiền mã hóa giảm xuống, chúng ta có thể hy vọng rằng tình hình giá card màn hình sẽ được cải thiện vào cuối năm nay.
Bình luận
Chưa có bình luận nào.