Nhiều người cho rằng HDD trong tương lai sẽ biến mất để nhường chỗ cho SSD có tốc độ cao nhưng giám đốc của Seagate lại cho biết rằng đó là điều “không thể”.
Trong buổi họp báo gần đây, Dr. John Morris – Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer) của công ty Seagate – chuyên sản xuất thiết bị lưu trữ cho máy tính đã chia sẻ thêm rất nhiều thông tin liên quan đến thị trường SSD và HDD. Ông cho biết rằng: “Mức độ kinh tế (giá trị) của chip nhớ Flash và HDD đã đạt đến trạng thái cân bằng và các dạng ổ cứng chúng ta đang sử dụng ngày nay sẽ tiếp tục duy trì trong 5 đến 10 năm tiếp theo”.
Chia sẻ trên của Dr. John Morris nhằm ám chỉ đến việc người sử dụng đang cho rằng HDD sắp biến mất để nhường sân chơi cho SSD. Trong thực tế, người sử dụng phổ thông sẽ chọn SSD cho các bộ máy tính cá nhân vì chúng có tốc độ nhanh và giá thành đã rẻ hơn rất nhiều. Thế nhưng đối với các trung tâm lưu trữ thì HDD luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì các trung tâm dữ liệu ngày càng nhiều và tốc độ tăng trưởng của HDD cũng được tăng theo. Nếu như tính toán của công ty Seagate là đúng thì HDD sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/ năm.
Mỗi dạng thiết bị lưu trữ đều có ưu nhược điểm riêng và chúng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu riêng của từng người. Các trung tâm dữ liệu cũng tương tự, nếu họ hướng đến việc tiết kiệm điện năng tiêu thụ thì SSD sẽ là sự lựa chọn hàng đầu. Ngược lại, nếu họ hướng đến chi phí đầu tư thì việc chọn HDD là điều không phải bàn cãi.
Ngoài ra, ông Dr. John Morris còn cho biết rằng chip nhớ Flash QLC (4bits/cell) vẫn chưa đủ áp lực để gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa HDD và SSD. Những người ủng hộ chuyện SSD QLC sẽ thay thế cho HDD thường sử dụng lập luận dựa trên việc giảm dung lượng dữ liệu; tức là SSD QLC có khả năng nén dữ liệu theo thời gian thực (on the fly) tốt hơn, từ đó giúp lưu được nhiều dữ liệu hơn, trong khi HDD thì lại không làm được, từ đó khiến giá thành cho mỗi bit dữ liệu có sự khác biệt lớn.
Tuy nhiên, Morris nói rằng muốn so sánh một cách công bằng thì phải lấy dung lượng thô (raw capacity) của cả hai sản phẩm để so. Đúng là SSD có khả năng nén dữ liệu theo thời gian thực rất hiệu quả, nhưng HDD bây giờ cũng làm được chuyện này chứ không chỉ riêng gì SSD, thậm chí trong một số trường hợp nó còn được mã hóa luôn là đằng khác.
Nguồn: Blocks & Files
Bình luận
Chưa có bình luận nào.